Sa uyển tử

Sa uyển tử, tên khác đồng tật lê, sa uyển tật lê. Bộ phận dùng là hạt chín khô. Sa uyển tử vị ngọt, tính ấm, lợi về gan và thận, có công hiệu bổ thận, cố tinh, bổ gan, sáng mắt. Chủ trị các bệnh thận hư, đau lưng, di tinh, xuất tinh sớm, khí hư, đái dắt, hoa mắt, nhức đầu. Liều dùng: 10-20g. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, sa uyển tử có chứa chất béo, acid tannin, vitamin A, có tác dụng lợi tiểu, chống viêm, bảo vệ gan.

Một số bài thuốc chữa bệnh có dùng sa uyển tử

Cháo sa uyển tử: Sa uyển tử 20g, gạo lứt 100g. Dùng túi vải bọc sa uyển tử lại, nấu chung với gạo lứt thành cháo, thêm đường phèn, ăn nóng. Dùng cho người thận hư, di tinh, xuất tinh sớm, cơ thể suy nhược, mắc chứng tiểu đêm nhiều, lưng đau, gối mỏi, ăn uống kém, người gầy yếu.

Sa uyển tử hầm bầu dục: Sa uyển tử 30g, bầu dục lợn 1 quả. Hầm chín, ăn cái uống nước. Dùng cho người thận hư, đau lưng, xuất tinh sớm, hoa mắt, chóng mặt ù tai.

Sa uyển tử sắc hạt sen: Sa uyển tử 12g, hạt sen 12g. Sắc uống, ăn cái, uống nước. Dùng cho người thận hư, di tinh.

Trà sa uyển tử: Sa uyển tử 12g, rửa sạch, giã nát, hãm với nước sôi, uống thay trà, có tác dụng bổ thận, nâng cao sức khỏe, trị đau lưng, hư lao, di tinh.

Rượu sa uyển tử cường dương: Sa uyển tử 12g, viễn chí 4g, thục địa 15g, đinh hương 10g, đảng sâm 15g, dâm dương hoắc 10g, trầm hương 4g, câu kỷ tử 15g, rượu 1,5 lít. Các vị thuốc cho vào túi vải bọc lại, ngâm rượu trong 7-10 ngày, sau đó đem nấu cách thủy trong 5 phút, bỏ ra ngâm vào nước lạnh để khử độc hỏa, 3 tuần sau mang ra dùng. Mỗi lần uống 10-20ml, ngày 2 lần. Dùng cho người liệt dương, không cương lên được.

Sa uyển tử hoàn viên: Sa uyển tử ( sao) 62g, khiếm thực hấp 62g, liên tu 62g, long cốt rang 31g, con hà rang 31g. Nghiền chung thành bột, hồ bột hạt sen thành hoàn. Uống bằng nước muối pha loãng, ngày 3 lần, mỗi lần 3g. Dùng cho người hoạt tinh không hãm được.

Thuốc bột sa uyển tử: Sa uyển tử 12g, sung úy tử 6g, thanh tương tử 9g. Nghiền chung thành bột mịn. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 3g. Dùng cho người bị mờ mắt.

Hoặc: Sa uyển tử, thương truật, lượng bằng nhau, nghiền chung thành bột mịn. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 6-9g bằng nước cháo loãng. Dùng cho người tỳ vị hư, đầy bụng, ăn uống không tiêu.

ThS. Nguyễn Ngọc Lan

Các phương thuốc trị suy dinh dưỡng trẻ em

Đông y gọi suy dinh dưỡng ở trẻ em là chứng cam tích, mà nguyên nhân thường gặp là do khẩu phần ăn không hợp lý, như: ăn thiếu đạm kéo dài, ăn nhiều chất béo ngọt khiến không tiêu hóa được, tích lại làm tổn thương tỳ vị, cũng có khi do nhiễm nhiều giun...

Nhìn chung các biểu hiện ban đầu đối với trẻ mắc chứng cam tích thường thấy xuất hiện như: cơ thể hơi gầy, kém ăn hoặc ăn nhiều, đi cầu nhiều, phân khi lỏng khi đặc, đầy bụng, có thể sốt nhẹ, miệng khát, lòng bàn chân, bàn tay nóng, người bứt rứt, hay khóc, ngủ không yên, rêu lưỡi hơi vàng, mạch tế hoạt.

Chỉ thực

Chỉ thực

Cần dựa vào từng thể cam tích cụ thể để gia những phương thuốc trị liệu thích hợp. Sau đây là những phương trị liệu cụ thể cho từng loại.

Thể tỳ hư (còn gọi là tỳ cam): tương ứng với suy dinh dưỡng độ 2. Biểu hiện như mặt vàng, người gầy, miệng khô, khát nước, sôi bụng, tiêu chảy. Có trường hợp do tân dịch giảm gây táo bón, bụng to, gân xanh nổi lên, nước tiểu đục trắng, rêu lưỡi trắng.

Phương pháp chữa chính là bổ khí, bổ tỳ vị.

Dùng phương (chọn một trong các phương sau cho thích hợp):

- Hoài sơn 12g, bạch truật 6g, sinh địa 6g, cam thảo nam 4g, thạch môn 4g, sa nhân 2g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần trong ngày.

- Hoài sơn 8g, đậu ván trắng 8g, bạch truật 6g, chỉ thực 4g, trần bì 4g, kê nội kim 4g. Sắc uống ngày một thang. Nếu do tích trệ thức ăn, bụng trướng, thêm đại phúc bì, sơn tra, thần khúc mỗi vị 4 g. Nếu do nhiễm giun gây tích trệ, đau bụng, thêm sử quân tử 4g.

Kê nội kim

Kê nội kim

- Hoàng liên 6g, thần khúc 6g, mạch nha 6g; bạch truật 4g, trần bì 4g, cam thảo 4g, nga truật 4g, thanh bì 4g, sử quân tử 4g, hoàng liên 4g; binh lang 2g, tam lăng 2g, lô hội 0,2g. Sắc uống ngày một thang chia 2 - 3 lần.

- Hoài sơn 100g, ý dĩ 100g, mạch nha 100g, đẳng sâm 50g, bạch truật 50g; hạt cau 25g, vỏ quít 25g. Tất cả sao vàng, tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi ngày uống 16 - 20g bột.

- Chữa suy dinh dưỡng, tiêu chảy do nhiễm giun: sơn dược 80g, đậu ván trắng 80g, sử quân tử 80g, thần khúc 80g, hoàng liên 40g, sơn tra 40g, bạch đậu khấu 40g, binh lang 20g, ngân sài hồ 6g, mạch nha 6g, lô hội 5g. Tán nhỏ làm viên, ngày uống 4 - 8 g.

Thể can cam (tức bệnh do khí huyết hư can thận hư mà gọi là can cam, tương ứng với suy dinh dưỡng độ 3): biểu hiện như người gầy, da khô, bộ mặt già, tinh thần mệt mỏi, kém ăn, tiếng khóc nhỏ, rêu lưỡi mỏng khô, lông, tóc khô. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: khô loét giác mạc, loét miệng, tử ban (lắng đọng sắc tố), phù thũng…

Trần bì

Trần bì

Phương pháp chữa là bổ khí huyết, bổ can, thận tỳ vị.

Dùng phương (chọn một dưới đây sao cho thích ứng):

- Thục địa 12g; hà thủ ô 8g, kê huyết đằng 8g, ý dĩ 8g, đậu đen 8g, hạt sen 8g; bạch truật 6g, ngũ gia bì 6g, kê nội kim 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

- Hoài sơn (sao) 60g; phục linh 45g, đậu ván trắng 45g, sơn tra 45g, mạch nha 45g, thần khúc 45g, đương quy 45g, bạch truật (sao) 30g, trần bì 30g, sử quân tử quân, 30g; hoàng liên 20g, cam thảo 20g. Tán bột, rây mịn, trộn với mật ong làm hoàn bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3g, ngày uống 2 - 3 lần.

- Đẳng sâm 8g, bạch truật 8g, thục địa 8g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, bạch thược 8g, phục linh 6g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần. Nếu loét khô giác mạc, thêm kỷ tử, cúc hoa mỗi vị 8g. Nếu loét miệng, thêm ngọc trúc, thăng ma mỗi vị 6g; hoàng liên 4g. Nếu tử ban (lắng đọng sắc tố) thêm hoàng kỳ, a giao. Nếu có sốt mà xuất huyết, thêm sinh địa, rễ cỏ tranh mỗi vị 12g; đan bì 6g. Nếu có phù dinh dưỡng, thêm phục linh 12g, quế chi 2g.

BS. HOÀNG TUẤN LINH

Chữa ho có đờm khò khè với thanh uyển

Thanh uyển thuộc họ Cúc, còn có tên gọi khác là tử uyển, dã ngưu bàng… Theo y học cổ truyền, thanh uyển vị đắng, ngọt, tính ôn không vào kinh phế. Tác dụng ôn phế tiêu đờm, nhuận phế hạ khí, cầm ho. Trị ho, suyễn, tiểu tiện đỏ, lao phổi, viêm phế quản, ho ra máu.

Là một cây thảo, sống lâu năm, cao 1 - 1,2m. Thân mọc thẳng, phân cành nhiều có lông thưa, cuống lá dài có rìa bên; lá phía trên mọc so le, nhỏ và hẹp hơn gần như không cuống. Hoa tự hình đầu xung quanh màu tía, tím nhạt, hoa ống ở giữa màu vàng. Quả bé có lông ngắn màu trắng. Cây mọc tự nhiên ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Bộ phận dùng làm thuốc của thanh uyển là rễ, thu hái quanh năm. Liều dùng hàng ngày 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Thanh uyển vị ngọt đắng có tác dụng trị ho, tiểu tiện đỏ...

Một số bài thuốc chữa bệnh từ thanh uyển

Chữa ho có đờm khò khè: Thanh uyển 12g, bách bộ 12g, cát cánh 8g, mạch môn 8g, kinh giới 8g, trần bì 6g, cam thảo dây 6g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 3 - 5 ngày.

Chữa viêm phế quản cấp tính: Thanh uyển 12g, hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, cam thảo 4g, tiền hồ 12g. Nếu đờm nhiều, rêu lưỡi trắng, thêm bán hạ 12g, trần bì 8g. Nếu có hen suyễn thì bỏ cát cánh, thêm ma hoàng 6g. Sắc uống ấm trong ngày chia 2 lần sau bữa ăn 1giờ rưỡi.

Chữa ho lâu ngày, viêm phế quản mạn tính: Thanh uyển 10g, khoản đông hoa 10g, thổ bốn mẫu 10g, hạnh nhân 10g, cát cánh 10g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. 10 ngày là một liệu trình.

Chữa ho gà ở giai đoạn hồi phục: Thanh uyển 8g, bách bộ 8g, rễ quả lâu 16g, sa sâm 12g, mạch môn 12g. Sắc uống trong ngày.

Hỗ trợ điều trị hen phế quản: Thanh uyển 12g, tế tân 12g, khoản đông hoa 12g, đại táo 12g, ma hoàng 10g, ngũ vị tử 10g, bán hạ chế 8g, xạ can 6g, gừng sống 4g. Sắc uống trong ngày.

Chữa suy nhược cơ thể do phế hư: Thanh uyển 12g, ngũ vị tử, tang bạch bì, thục địa, đảng sâm, hoàng kỳ mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày.

Chữa sởi thời kì hồi phục: Sa sâm 10g, mạch đông 10g, thạch hộc 10g, ngọc trúc 10g, đậu ván 10g, thiên hoa phấn 10g, bách bộ 10g, thanh uyển 10g, thần khúc 10g. Các vị thuốc sắc 2 lần, lấy 2 nước trộn lại, dùng uống thay trà. Ngày 1 thang, chia uống sáng và chiều.

Bác sĩ Đức Quang




Xơ mướp chữa tắc tia sữa

Xơ mướp được lấy từ quả mướp chín thật già đã khô quắt, có vỏ ngoài nhăn nheo, màu vàng óng, cầm thấy nhẹ tay, đem ngâm vào nước nhiều lần cho tróc dần lớp vỏ ngoài và rữa nát hết lớp thịt còn sót lại ở trong, rửa sạch, rũ hết hạt, phơi khô.

Xơ mướp được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là ty qua lạc, có vị ngọt dịu, tính bình, có tác dụng cầm máu, thông kinh lạc, chống co thắt, thúc sởi, lợi tiểu. Dược liệu được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa trĩ ra máu, rong kinh, băng huyết, kiết lỵ ra máu: xơ mướp đốt tồn tính, tán bột, uống mỗi ngày 4 - 8g chia làm 2 lần chiêu với nước ấm.

Chữa tắc tia sữa: xơ mướp 1 cái, gai bồ kết 10 cái, hành tươi hoặc phơi khô 1 củ. Tất cả băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 2 - 3 ngày. Kết hợp xoa nắn vú cho thông tia sữa.

Chữa hen: xơ mướp 20g băm nhỏ, sao; hạt đay quả dài 12g, giã giập, sao. Trộn đều, sắc uống lúc nóng. Ngày 2 lần. Dùng 2 - 3 ngày.

Chữa bế kinh: xơ mướp đốt tồn tính, tán nhỏ, trộn với tiết chim bồ câu trắng làm thành bánh rồi phơi khô, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g với rượu vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).

Chữa sởi (làm sởi mọc nhanh và mọc đều, hạn chế các biến chứng): xơ mướp 20g, kinh giới 12g, bạch chỉ 12g, kim ngân 12g, cỏ mần trầu 8g, cam thảo nam 4g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống làm 2 lần trong ngày.

DS. Đỗ Huy Bích

Kinh nghiệm trị chứng sa trực tràng

Chứng sa trực tràng Đông y gọi là “chứng thoát giang”. Nguyên nhân chủ yếu là do tỳ dương hư, làm trung khí hạ hãm, nguyên khí bị suy tổn, sự thăng giáng của dương khí thất thường mà sinh bệnh. Đối với người cao tuổi, nguyên khí bị suy tổn, đại tiện táo bón, khi đi đại tiện bị rặn nhiều, làm đại tràng sa xuống không co lên được. Đối với phụ nữ do khi sinh nở rặn quá nhiều hoặc sinh nhiều lần cũng là nguyên nhân thường thấy. Đối với trẻ em do khí tiên thiên bất túc, sau khi sinh nuôi dưỡng kém, ăn uống thất thường, làm tỳ vị tổn thương, chính khí bị suy kém hoặc mắc chứng kiết lỵ, tiêu chảy, khi đi đại tiện rặn nhiều mà mắc chứng thoát giang.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài thuốc kinh nghiệm điều trị chứng sa trực tràng để đồng nghiệp và bạn đọc tham khảo:

Bài thuốc “Bổ trung ích khí” nhưng với liều lượng khác gồm: hoàng kỳ 40g, (nguyên bản bài thuốc hoàng kỳ 12g) cam thảo (chích) 4g, nhân sâm 16g (nguyên bản nhân sâm 6g), đương qui 12g, trần bì 8g, thăng ma 40g (nguyên bản bài thuốc thăng ma 4g), sài hồ 12g (nguyên bản sài hồ 8g), bạch truật 16g (nguyên bản bạch truật 12g) nếu thay nhân sâm bằng đảng sâm cho liều gấp hai lần.

Để điều trị chứng sa trực tràng khi dùng bài “bổ trung ích khí” liều cao và tùy theo từng thể bệnh mà gia giảm trong bài thuốc có hai vị hoàng kỳ và thăng ma. Ví như khi xem mạch thấy dương khí quá hư suy, bệnh nặng, sức khỏe của bệnh nhân không được tốt, nên hoàng kỳ và thăng ma đều dùng liều cao 70g, bạch truật dùng 16g gia thêm ích trí nhân 12g, ngũ vị tử 12g, ô mai 5 quả để tăng thêm tác dụng thu liễm làm cho trực tràng co lên nhanh.

TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng

Dược thiện trị tàn nhang

Tàn nhang là một bệnh da liễu thuộc vùng mặt, hay gặp ở phụ nữ thời kỳ mang thai hoặc tiền mãn kinh và nam giới giai đoạn trung lão niên. Ngoài ra còn gặp ở những người bị bệnh gan mật và một số bệnh mạn tính khác. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây nên tàn nhang thường do tình chí bất toại, can khí uất kết, thận khí bất sung hoặc xung nhâm thất điều gây nên. Phương pháp trị liệu bằng ăn uống của Đông y cho rằng, những người bị tàn nhang cần trọng dụng những thực phẩm có công dụng thanh nhiệt lợi thấp và kiêng kỵ những đồ ăn thức uống có tính cay nóng. Dưới đây, xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc có công dụng phòng chống tàn nhang để bạn đọc tham khảo.

Bài 1: đan bì 10g, chi tử 10g, gạo tẻ 30g. Cách chế: đan bì và chi tử rửa sạch, sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, dùng liên tục trong 10 ngày là một liệu trình. Công dụng: sơ can thanh nhiệt, hoạt huyết lợi thấp, làm cho vết tàn nhang tiêu thoái hoặc nhạt đi.

Bài 2: bạch linh 15g, hoài sơn 15g, đậu xanh 20g, gạo tẻ 60g. Cách chế: bạch linh và hoài sơn sấy khô, tán thành bột mịn; đậu xanh và gạo tẻ đem ninh thành cháo rồi cho bột bạch linh và hoài sơn vào, đun sôi một lát là được, chế thêm một chút đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: sơ can thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần, thường dùng cho những người bị tàn nhang do suy nhược thần kinh, ăn kém, mất ngủ thường xuyên.

Bài 3: sinh địa 15g, huyền sâm 10g, chi tử 10g, liên nhục 30g. Cách chế: sinh địa và huyền sâm rửa sạch sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi cho chi tử và liên nhục vào ninh nhừ, chế thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tư âm thanh nhiệt, ích can bổ thận, thường dùng cho những người bị tàn nhang thuộc thể âm hư biểu hiện bằng các chứng trạng như người gầy, hay hoa mắt chóng mặt, miệng khô họng khát, có cảm giác bốc hỏa hoặc sốt nóng về chiều, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, không hoặc ít rêu...

Bài 4: dưa chuột tươi 100g, hoài sơn tươi (củ mài) 100g. Cách chế: dưa chuột rửa sạch gọt vỏ, bỏ ruột thái miếng; hoài sơn rửa sạch gọt vỏ, thái miếng; hai thứ cho vào nồi hầm nhừ, chế thêm một chút đường, dùng làm đồ điểm tâm hàng ngày. Công dụng: thanh nhiệt dưỡng âm, kiện tỳ bổ thận, trừ ban.

Bài 5: đậu đen 60g, ích mẫu thảo 30g. Cách chế: hai thứ cho vào nồi, đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, bỏ bã, chế thêm một chút đường đỏ và 1 - 2 thìa rượu gạo, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng âm, hoạt huyết, bổ huyết, điều kinh, trừ ban.

Cần chú ý ăn nhiều hoa quả tươi như lê tươi, táo, quýt, na, nho, chanh, cam, chuối chín... và các loại rau xanh. Kiêng ăn các thức ăn có tính kích thích như hành tỏi, gừng, quế, hồi, hạt tiêu, ớt... và các thức ăn chiên xào, quay nướng như gà quay, vịt quay, thịt hun khói, thịt nướng... Đặc biệt, cần kiêng tuyệt đối rượu và thuốc lá.

ThS. Hoàng Khánh Toàn




Bài thuốc trị mụn nhọt mùa hè

Mụn là bệnh do nang lông - tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn trong khi miệng nang lông lại bị bít kín do tăng sừng hóa, chất bã nhờn bị ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn. Khi nhân mụn hình thành, thường có sự phát triển, tăng sinh một loại vi khuẩn ở lỗ chân lông gây nên tình trạng viêm đỏ của mụn mủ.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây ra mụn nhọt là do hỏa độc gây ra, một số trường hợp hay tái phát do tình trạng nhiễm trùng mà y học cổ truyền gọi là nhiệt huyết.

Tùy từng thể bệnh mà dùng bài thuốc điều trị như sau:

Giai đoạn viêm nhiễm (khởi phát)

Biểu hiện: Mụn nhỏ hình thành, ngứa, nóng, muốn gãi, giai đoạn này dùng phương pháp thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm.

Bài thuốc: kinh giới 8g, kim ngân hoa 20g, kê đầu ngựa 16g, thổ phục linh 12g, đỗ đen sao 40g, cam thảo dây 8g, vòi voi 12g, cỏ xước 12g, cho 750ml nước vào sắc kỹ còn 250ml chia uống 3 lần trong ngày.

Theo y học cổ truyền, mụn nhọt là do hoả độc gây ra.

Theo y học cổ truyền, mụn nhọt là do hoả độc gây ra.

Giai đoạn hóa mủ

Biểu hiện: Mụn sưng tấy thành nhọt bọc có mủ, nóng, đỏ, sốt. Dùng phương pháp thác độc bài nùng (đưa độc ra ngoài, trừ mủ).

kim ngân hoa

Kim ngân hoa

Bài thuốc: kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, hoàng cầm 12g, gai bồ kết (tạo giác) 12g, bồ công anh 16g, trần bì 6g, bối mẫu 8g, cam thảo 4g. Cho 750ml nước sắc kỹ còn 250ml chia uống 3 lần trong ngày.

Giai đoạn vỡ mủ

Dùng phương pháp khử hư sinh cơ (làm mất các tổ chức hoại tử, làm liền da).

Bài thuốc: uất kim 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 16g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, đan bì 8g, đảng sâm 16g, kim ngân hoa 16g, cam thảo 6g. Cho 75ml nước vào sắc kỹ còn 250ml chia uống 3 lần trong ngày.

Giai đoạn vỡ mủ phải thường xuyên rửa sạch, lau khô bằng gạc vô khuẩn để tránh tái nhiễm, nhiễm khuẩn.

Lương y Vũ Trung